Trong sự phát triển của nền nông nghiệp truyền thống và hiện đại, khuyến nông luôn khẳng định vai trò là “cầu nối”, tiếp nhận và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho nông dân thông qua các hoạt động như đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao (đưa cán bộ đi học tập nước ngoài hoặc kết nối các đơn vị Hợp tác xã, Doanh nghiệp cùng các Viện, Trường… đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông, từ đó giúp cán bộ khuyến nông đào tạo, chuyển giao lại cho nông dân); Triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức tập huấn, tham quan, hội thảo giúp nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn; Tập trung xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để triển khai các mô hình điểm.
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các địa phương còn nhiều khó khăn như quy mô sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhỏ lẻ; chi phí đầu tư lớn, rủi ro lại cao nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư, khó nhân rộng; …Trong đó, nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực có trình độ cao để chuyển giao KHKT của đội ngũ cán bộ khuyến nông còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường sản phẩm công nghệ cao chưa bền vững, việc tổ chức sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế, chưa đáp ứng thị trường trong và ngoài nước…
Trong bối cảnh đó, năm 2019 - 2020, Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp và Chính sách đã phối hợp với Viện Kinh tế và Phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức khóa tập huấn về “Phương pháp kỹ năng chuyển giao, tổ chức liên kết sản xuất” cho các đối tượng là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện của khu vực phía Bắc nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ khuyến nông cấp tỉnh và huyện khu vực phía Bắc về Phương pháp kỹ năng chuyển giao, tổ chức liên kết sản xuất, từ đó giúp các nhóm đối tượng này thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm nông sản của các địa phương, gắn với thị trường trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ khóa tập huấn, các học viên tham gia đã được tiếp cận với những kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới và ở Việt Nam do GS. TS Đỗ Kim Chung giảng dạy, các phương pháp chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do PGS. TS Nguyễn Phượng Lê trình bày. Các bài giảng đã giúp học viên hiểu được các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong nội dung nông nghiệp công nghệ cao cũng như phương pháp hiệu quả giúp chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân trong các hoàn cảnh khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế và tự nhiên của các địa phương. Để có thể giúp các học viên hiểu về thực hành và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển các ngành nông nghiệp chủ yếu, TS Chu Anh Tiệp đã trình bày nội dung về Ứng dụng công nghệ cao trong ngành trồng trọt ứng dụng với sản phẩm bưởi và PGS. TS Bùi Hữu Đoàn đã trình bày vấn đề Phát triển chăn nuôi công nghệ cao bền vững. Để củng cố kiến thức lý thuyết, học viên lớp tập huấn còn được tổ chức đi tham quan thực tế các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội về mô hình nông nghiệp tổng hợp và mô hình trồng rau công nghệ cao ở HTX Rau hữu cơ Cuối Quý ở huyện Đan Phượng. Qua tham quan thực tế, các học viên đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích về công nghệ áp dụng trong sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ nhà kính của Đài Loan, canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuyển Organic, các yêu cầu và lợi ích khi sản xuất theo mô hình liên kết với cơ sở cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, cơ chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo cơ chế chia sẻ từ chi phí và đầu ra của sản phẩm.....
Các học viên đều đánh giá nội dung của khóa tập huấn rất hay và có ý nghĩa thiết thực, giúp các học viên có thêm nhiều kinh nghiệm và đổi mới phương pháp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân khi về công tác tại địa phương, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương theo định hướng nông nghiệp hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, gắn bó chặt chẽ với nhu cầu của thị trường. Vai trò của Bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Chính sách với sự phát triển của khuyến nông Việt Nam nói chung, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện nói riêng càng được củng cố hơn sau khóa tập huấn, điều này sẽ tạo tiền đề để Bộ môn tiếp tục phát triển nhiều hơn các hoạt động tập huấn, chuyển giao lĩnh vực khuyến nông trong thời gian tới.
Một số hình ảnh buổi tập huấn:
GS. TS Đỗ Kim Chung chia sẻ về Nông nghiệp công nghệ cao
TS Chu Anh Tiệp chia sẻ về Ứng dụng công nghệ cao trong ngành trồng trọt với sản phẩm Bưởi diễn
Thăm quan mô hình trồng rau công nghệ cao của HTX Rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng
Ông Tạ Văn Tường - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, một học viên tích cực của lớp tập huấn
PGS. TS Nguyễn Phượng Lê trao chứng chỉ cho học viên sau khi hoàn thành khóa tập huấn
Thanh Thúy
Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp và Chính sách, Khoa Kinh tế và PTNT