Vừa mới nổi lên trên thị trường với thương hiệu gạo ngon nhất, nhì thế giới khoảng hai năm nay, thì những ngày gần đây, gạo ST25 tiếp tục “nóng” xung quanh câu chuyện bảo hộ thương hiệu khi có thông tin sản phẩm gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua đang bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.
Có thể thấy, vấn đề thương hiệu đang tiềm ẩn nhiều lỗ hổng. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để khắc phục?
Hiểu đúng về sản phẩm được đăng ký bảo hộ thương hiệu
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng, có nhiều thông tin phản ánh về việc “thương hiệu” gạo “ST25” được các doanh nghiệp của Mỹ nộp đơn đăng ký tại Mỹ (và cả Việt Nam) dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được loại gạo này vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, “theo quy định của pháp luật các nước, trong đó có Mỹ, tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. Đối với Mỹ, theo Hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên giống cây trồng”, ông Bảy nói.
Theo đó, giống lúa ST25 mới là sản phẩm được đăng ký bảo hộ, còn sản phẩm gạo ST25 là loại sản phẩm có tên gọi chung được sản xuất từ giống lúa ST25 nên không được bảo hộ, tại Mỹ hay Việt Nam cũng như các quốc gia khác.
“ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa) và không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định tại mục 1202.12 của Quy chế thẩm định nhãn hiệu”, ông Bảy nhấn mạnh.
Giống lúa có tên ST25 đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020 theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 06/03/2020 của Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Chủ bằng bảo hộ là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.
Do pháp luật Việt Nam quy định nghĩa vụ về sử dụng tên giống cây trồng đã ghi trong bằng bảo hộ, cho nên trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”.
Doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát, sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25.
Nhưng khi đưa ra thị trường, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, không được lấy tên ST25 làm nhãn hiệu, mà phải xây dựng nhãn hiệu của riêng mình, ví dụ, gạo ST25 mang nhãn hiệu “Bảo Minh”…
Vấn đề này được quy định rõ tại Điểm b, Khoản 2, Điều 74, Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến, sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.
Tại Mỹ, theo Hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), thẩm định viên sẽ phải từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên giống cây trồng ST25.
Do đó, USPTO đã có thông báo dự định từ chối ngày 20/11/2020 đối với nhãn hiệu “VIETNAM'S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 90151727 nộp ngày 1/9/2020 của Công ty Transword Foods, Inc.
USPTO đưa ra lý do từ chối bảo hộ đối với từng yếu tố của nhãn hiệu. Ngoài yếu tố “ST25” là giống cây trồng không được bảo hộ độc quyền thì các yếu tố khác cũng sẽ không được bảo hộ độc quyền cho riêng ai: Chữ “VIETNAM’S” phải có minh chứng sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam; từ “RICE” là tên gọi thông thường của hàng hóa nên theo luật của Mỹ không được bảo hộ độc quyền; từ ‘“DAC SAN SOC TRANG” mang tính chất quảng cáo hay mô tả thì luật của nước nào cũng không bảo hộ độc quyền.
Như vậy, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ, cũng như cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, do đó không ảnh hưởng đến việc người khác vẫn có thể dùng chữ ST25.
Nếu vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 vẫn được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan có thể phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào.
Tuy nhiên, ông Bảy lưu ý thêm, quyền cấp cho chủ bằng bảo hộ số 21.VN.2020 chỉ có hiệu lực ở Việt Nam. Việc có đăng ký quyền bảo hộ tại Mỹ đối với giống lúa ST25 hay không tùy thuộc vào doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang là chủ bằng bảo hộ thương hiệu giống lúa này.
Lơ là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Đăng kí bảo hộ nhãn hiệu là một trong những biện pháp quan trọng. Đối với doanh nghiệp, để bảo vệ thương hiệu của mình trong quá trình hội nhập, vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là yếu tố “sống còn”.
Thế nhưng, những năm vừa qua, một số thương hiệu của Việt Nam bị nước ngoài giả mạo thương hiệu. Đơn cử, cà phê Trung Nguyên cũng đã từng rơi vào tình cảnh khốn khổ này. Tháng 7/2000, Thương hiệu cà phê Trung Nguyên được đánh giá là nổi bật nhất của cà phê Việt Nam. Thế nhưng công ty của Mỹ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ. Sau hai năm thương thảo, công ty này đã chấp thuận trả lại quyền bảo hộ. Hiện nay, Rice Field nhận làm đại lý phân phối sản phẩm Cafe Trung Nguyên của Việt Nam tại Mỹ.
Năm 2002, thương hiệu Vinataba – thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN.
Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được biết đến trên thị trường thế giới, nhiều thương hiệu đã lọt đến Top 100. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có ý thức cao hơn về vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. |
Và còn những trường hợp thương hiệu của Việt Nam cũng từng có tranh chấp. Trong đó nổi bật như Nước mắm Phan Thiết, Nước mắm Phú Quốc, Kẹo dừa Bến Tre, PetroVietnam, Phở Thìn...
Tình trạng xảy ra tranh chấp thương mại diễn ra nhiều bởi doanh nghiệp Việt chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu hàng hoá; sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm và sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Từ đó xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu của mình. Không chỉ tại thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước cũng xảy ra.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được chiến lược kinh doanh. Đặc biệt là kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế và tập trung phát triển kinh doanh dài hạn tại các thị trường trọng điểm.
Hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhất là Luật Quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia mà doanh nghiệp muốn thâm nhập cũng còn nhiều hạn chế.
Doanh nghiệp phải đi trước?
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, từ trường hợp thương hiệu gạo ST25 tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho tất cả doanh nghiệp khi đã có định hướng xuất khẩu phải xây dựng chiến lược cho mình. Trong đó có việc xây dựng, phát triển thị trường gắn với bảo vệ và bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu, nhãn hiệu thương mại là ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần dành chiến lược và nguồn lực một cách tương xứng và việc này phải hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động.
“Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nghiên cứu, sáng chế cá nhân thì cần chủ động liên kết với doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để hỗ trợ sản xuất, phân phối sản phẩm, gắn với bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tránh nguy cơ bị xâm phạm và đánh cắp thương hiệu”, ông Phú nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng nhìn nhận: “Mọi sản phẩm có danh tiếng về chất lượng khi lưu thông thương mại quốc tế đều có nguy cơ bị tranh chấp bảo hộ… Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp cần sớm thực hiện chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu trong quá trình lưu thông. Ở đây, gạo ST25 là nhãn hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp, một sản phẩm có uy tín, được thị trường ưa chuộng, hoàn toàn có thể xảy ra tranh chấp nhãn hiệu nếu doanh nghiệp không có biện pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu kịp thời”.
Một vấn đề nữa đặt ra trong câu chuyện gạo ST25 là dù đã được công nhận là loại gạo ngon nhất, nhì thế giới nhưng hiện vẫn chưa phải là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, muốn sản phẩm được công nhận thương hiệu quốc gia thì doanh nghiệp phải chủ động đăng ký tham gia chương trình thương hiệu quốc gia thông qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt, đáp ứng nhiều yếu tố.
Các chuyên gia cho biết, khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), doanh nghiệp Việt sẽ không tránh khỏi tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Do đó, các tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng. Hiện có hai con đường để đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Đó là đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia và đăng ký thông qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (bao gồm Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid).
Việt Nam đã gia nhập cả Thỏa ước và Nghị định thư Madrid. Theo bà Phạm Thị Thoa (Công ty luật Apolat Legal): “Hiệp ước Madrid là văn kiện được ban hành để đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, đăng ký, và hài hòa thủ tục đăng ký nhãn hiệu giữa các quốc gia khác nhau. Việc quy định những nguyên tắc này giúp cho những chủ sở hữu nhãn hiệu tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc đăng ký nhãn hiệu. Các điều ước quốc tế này cũng sẽ hỗ trợ người nước ngoài khi nộp đơn vào Việt Nam được nhanh chóng và thuận tiện hơn”.
Từ phía cơ quan nhà nước, Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Trần Giang Khuê, Phó văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết: “Chúng tôi sẽ tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm hiểu dễ dàng những điều luật quốc tế”.
Đến thời điểm này, nhóm nông sản đã có 66 nghìn nhãn hiệu được đăng ký, gần 90 sản phẩm được bảo hệ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, câu chuyện gạo ST25 đang bị 4 công ty ở Mỹ nộp hồ sơ đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm chân của doanh nghiệp Việt trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nếu không chú trọng đầu tư thích đáng cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt sẽ mất cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đây là công việc tốn thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng không thể bị coi nhẹ hơn những con số doanh thu trước mắt.
Tín hiệu tích cực để các DN gạo Việt Nam được bảo hộ tốt hơn
Theo Bộ Công Thương, hiện chúng ta có khoảng 55 thương vụ trải đều các thị trường xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Việt Nam và khi doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu, tham tán thương mại tại các nước sở tại sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cụ thể.
“Thứ nhất là hướng dẫn quy trình thủ tục của nước sở tại, với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại. Thứ hai là cung cấp tư vấn ban đầu: thủ tục ra sao, đi đến gặp gỡ những cơ quan nào, quy trình thẩm định chi tiết…”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.
Còn theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thông tin mới nhất là có 22 nước trên thế giới sẽ bảo hộ thương hiệu gạo quốc gia “Vietnam Rice”. Đây cũng là một tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp gạo Việt Nam có thể được bảo hộ tốt hơn trên thị trường thế giới.
“Trong số 22 nước bảo hộ nhãn hiệu Vietnam Rice có những thị trường khá quan trọng như: Trung Quốc, Philippines, thị trường châu Phi và một số nước EU. Đây là tài sản vô hình khi chúng ta đã xác lập quyền bảo hộ trí tuệ ở nước ngoài”, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ trương kêu gọi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cùng tham gia sâu hơn để cùng chia sẻ quyền lợi từ thương hiệu quốc gia “Vietnam Rice”, bên cạnh nhãn hiệu của từng doanh nghiệp.
|
Nguồn tạp chí: Kinh tế nông thôn